Lịch sử Câu_lạc_bộ_bóng_đá_Sông_Lam_Nghệ_An

Tiền thân

Thời kỳ thuộc Pháp, khu vực Vinh - Bến Thủy từng có một đội bóng lừng danh mang tên là Đội Áo Vàng. Đây được xem như là khởi đầu của truyền thống bóng đá Nghệ An. Một số người cho rằng đây là nguồn gốc của màu áo vàng truyền thống của đội Sông Lam Nghệ An ngày nay.

Tuy vậy, vùng Nghệ Tĩnh hầu như không có một đột bóng nổi bật nào suốt hầu hết thời gian chiến tranh. Mãi đến năm 1973, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh mới thành lập một đội bóng nghiệp dư để thi đấu ở Giải hạng B phong trào. Đội bóng này được xem là tiền thân đầu tiên của đội Sông Lam Nghệ An ngày nay.

Đội bóng đá Sông Lam Nghệ Tĩnh (1979-1992)

Năm 1979, sau khi hệ thống Giải bóng đá vô địch quốc gia được thành lập, với thành tích thi đấu tốt, đội được xếp thi đấu ở hạng A2 toàn quốc. Ngày 28 tháng 2 năm 1979, đội bóng được chính thức được Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Nghệ Tĩnh chuyển về Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ Tĩnh quản lý và quyết định đổi tên thành Đội bóng đá Sông Lam.[1]

Năm 1980, Huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh bắt đầu nắm đội 1 của Đội bóng đá Sông Lam Nghệ Tĩnh. Từ đây, mặc dù là một đội bóng "trẻ" trong nền bóng đá Việt Nam so với các đội bóng như Thể Công, Cảng Sài Gòn, Công an Hà Nội, Công an Hải Phòng, nhưng với những nỗ lực của Huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh, đội bóng Sông Lam đã bắt đầu được chuỗi thành tích, cũng như một lối đá đặc trưng của riêng mình, sánh vai với các đội bóng đàn anh.

Năm 1986, đội lần đầu tiên thi đấu ở hạng A1 toàn quốc (hạng cao nhất lúc đó). Dù chỉ xếp hạng 5/6 ở bảng C và không vào được vòng 2, nhưng đây là khởi đầu của thành tích thi đấu bền bỉ ở các giải vô địch cao nhất quốc gia của đội bóng Sông Lam.

Năm 1989, lần đầu tiên phân hạng đội mạnh. Tuy không thi đấu ở vòng 2 do phải sang Lào thi đấu, đội vẫn được đặc cách thăng lên hạng đội mạnh bởi thành tích thi đấu tốt ở vòng 1.

Tại Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam 1990, trong trận thi đấu với đội Dệt Nam Định, do các cầu thủ Dệt Nam Định đuổi đánh trọng tài Nguyễn Thu nên hai đội cùng bị kỷ luật xuống hạng A1. Tuy nhiên sau đó Liên đoàn bóng đá Việt Nam lại hủy quyết định và công nhận Sông Lam Nghệ Tĩnh vẫn ở giải đội mạnh, riêng Dệt Nam Định bị cấm thi đấu một năm.

Tại Giải bóng đá vô địch quốc gia Việt Nam 1991, đội thi đấu với thành tích yếu kém, phải thi đấu chung kết ngược với đội Long An và may mắn trụ hạng nhờ thắng trong loạt đá luân lưu.

Đội bóng đá Sông Lam Nghệ An (1992-1994)

Năm 1992, Nghệ Tĩnh được tách thành hai tỉnh là Nghệ AnHà Tĩnh. Đội bóng Sông Lam Nghệ Tĩnh được chuyển về cho tỉnh Nghệ An quản lý và đổi tên thành Đội bóng đá Sông Lam Nghệ An. Cũng trong năm này, đội lọt vào bán kết và đạt Hạng 3 Giải vô địch bóng đá Việt Nam

Đoàn bóng đá Sông Lam Nghệ An (1994-2004)

Ngày 21 tháng 3 năm 1994, Ủy ban Nhân dân tỉnh Nghệ An có Quyết định 224, đổi tên thành Đoàn bóng đá Sông Lam và chuyển đổi hình thức tổ chức thành một đơn vị sự nghiệp thuộc ngành Thể dục Thể thao.

Năm 1996, đội thi đấu xuất sắc và đạt Huy chương đồng Giải vô địch quốc gia, Huy chương đồng Cúp Quốc gia 1996.

Tại mùa giải 1997, đội tiếp tục thi đấu khởi sắc nhưng lại bỏ lỡ cơ hội vô địch khi đội Thể Công bất ngờ bị cầm hòa với Cảng Sài Gòn ngay trên sân nhà Cột Cờ. Thua 1 điểm, Sông Lam đành nhận Huy chương bạc. Cũng trong năm này, tại giải vô địch giải bóng đá trong nhà, đội đoạt chức vô địch sau khi đánh bại đội Long An.

Năm 1998 là một mùa bóng nhiều thành tích của đội: Á quân Giải vô địch quốc gia, đoạt Huy chương đồng Cúp Quốc gia 1998, Vô địch cúp Dunhill khi đánh bại Đội bóng đá Công an Hà Nội 2-0 trong trận chung kết trên sân Vinh, tiếp tục vô địch Cúp bóng đá trong nhà.

Năm 1999, đội đoạt chức vô địch Giải bóng đá tập huấn mùa xuân 1999 với trận thắng Công an Hà Nội ngay trên sân Hàng Đẫy bằng thi đấu luân lưu 11m với sự xuất sắc của Võ Văn Hạnh. Trong giải Cup Dunhill cuối cùng ở Hải Phòng, đội giành Huy chương bạc.

Năm 2000, đội lần đầu tiên đoạt chức vô địch Giải vô địch quốc gia với 43 điểm sau 24 vòng đấu. Văn Sĩ Thủy là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất và đạt danh hiệu "Vua phá lưới" của mùa giải. Thành tích đó không thể quên được những đóng góp to lớn của Nguyễn Thành Vinh. 19 năm giữ cương vị huấn luyện viên trưởng, ông đã cùng bóng đá xứ Nghệ vượt qua khó khăn để đạt được vinh quang đầu tiên cho câu lạc bộ. Cũng vào năm này, họ tiếp tục thành công khi đánh bại Cảng Sài Gòn 2-0 trên sân Hàng Đẫy qua đó đoạt Siêu cúp quốc gia. Với thế hệ tài năng của Văn Sỹ Hùng, Văn Sỹ Thủy, Ngô Quang Trường, Phan Thanh Tuấn, Nguyễn Văn Tiến, Nguyễn Hữu Thắng, Nguyễn Phi Hùng, Võ Văn Hạnh cùng các ngoại binh chất lượng như Iddi Batambuje, Lulenti Kyeyune, Enock Kyembe tất cả đều trở thành biểu tượng chiến thắng của bóng đá xứ Nghệ khi đó.

Năm 2001, giải vô địch quốc gia mang cơ chế chuyên nghiệp, chính thức mang tên V-League, và cho phép các cầu thủ nước ngoài tham gia thi đấu. Sông Lam Nghệ An tiếp tục một mùa bóng đầy thăng hoa khi là câu lạc bộ đầu tiên vô địch quốc gia với cái tên V-League. Điều đó đã được khẳng định khi đội thắng Công an Thành phố Hồ Chí Minh 4-3. Sau 18 vòng, đội đạt 36 điểm với vị trí đầu bảng. Năm 2001 trở đi, kết thúc một chuỗi thành công của đội bóng xứ Nghệ, câu lạc bộ bắt đầu rơi vào tình trạng khủng hoảng. Nhiều cầu thủ đã từng mang thành công cho đội bóng cứ lần lượt ra đi bởi nguồn tài chính của câu lạc bộ quá eo hẹp. Hàng loạt ngoại binh có chất lượng không thể giữ chân nổi.

Câu lạc bộ bóng đá PJICO Sông Lam Nghệ An (2004-2007)

Là một trong những đội bóng mạnh, nhưng Sông Lam Nghệ An lại bước vào hình thức chuyên nghiệp khá trễ. Trong nhiều năm liền, đội được đặt dưới quyền quản lý của Sở Thể dục Thể thao Nghệ An. Mãi đến năm 2004, đội lần đầu tiên thi đấu chuyên nghiệp với sự tài trợ từ Công ty Cổ phần bảo hiểm PJICO. Từ mùa bóng 2004, đội thi đấu với tên ghép từ nhà tài trợ: Câu lạc bộ PJICO Sông Lam Nghệ An. Cũng vào giai đoạn này, huấn luyện viên Nguyễn Thành Vinh rời xứ Nghệ vào TP.Hồ Chí Minh với Câu lạc bộ Ngân hàng Đông Á, chẳng bao lâu sau, ông Nguyễn Hồng Thanh ra Hà Nội. Tất cả khiến câu lạc bộ chìm trong cơn khủng hoảng về nhân sự. Hàng loạt vụ tiêu cực xảy ra. Sau nhiều biến cố, với sự tài trợ từ PJICO, nguồn tài chính của đội bóng dần cải thiện, không còn rơi vào những hoàn cảnh bế tắc về chất lượng nội binh như những năm trước. Mùa bóng 2004, đội thi đấu không được ổn định và chỉ đạt 37 điểm, xếp vị trí thứ 4 sau 22 trận.

Năm 2005, ông Nguyễn Hữu Thắng trở lại câu lạc bộ với tư cách là huấn luyện viên trưởng. Nhưng mùa bóng 2005, câu lạc bộ không có thành tích gì nổi bật; họ vẫn thi đấu một cách mờ nhạt kể cả ngoại binh lẫn cầu thủ nội. Kết thúc 22 vòng đấu, câu lạc bộ đạt 31 điểm, xếp vị trí thứ 5.

Câu lạc bộ bóng đá Tài chính Dầu khí Sông Lam Nghệ An (2007-2009)

Đến năm 2007, sau khi nhà tài trợ PJICO rút lui. Một nhà tài trợ mới là Công ty Tài chính thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã nhận tài trợ cho đội. Từ mùa bóng 2007, đội thi đấu với tên mới là Câu lạc bộ bóng đá Tài chính Dầu khí Sông Lam Nghệ An.

Được sự tài trợ về nguồn tài chính nhưng giai đoạn này câu lạc bộ không có bất kì thành công nào. Với việc những tài năng như Lê Công Vinh, Dương Hồng Sơn, Nguyễn Hồng Tiến, Cao Xuân Thắng,...ra đi đã khiến Sông Lam Nghệ An loay hoay tìm giải pháp thay thế. Sau nhiều năm không danh hiệu, Sông Lam Nghệ An đã vực dậy cải thiện tài chính và đặt niềm tin vào những cầu thủ lớn lên ở lò đào tạo của mình. Những năm gần đây, Sông Lam Nghệ An tiếp tục duy trì được yếu tố địa phương, điều mà không nhiều đội bóng tại V-League có thể làm được.

Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An (2009-nay)

Sân vận động Vinh

Năm 2009, Công ty Cổ phần Bóng đá Sông Lam Nghệ An được thành lập với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, gồm các cổ đông chính là Ngân hàng Bắc Á Tập đoàn TH Truemilk. Từ đây, câu lạc bộ chuyển hẳn sang hình thức chuyên nghiệp với tên gọi Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An.[2]

Năm 2010, mở đầu một thời kì thành công mới cho bóng đá Sông Lam Nghệ An. Với sự trở lại của huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng, câu lạc bộ đã đánh bại Hoàng Anh Gia Lai 1-0 trên Sân vận động Thống Nhất để mang về phòng truyền thống chiếc cúp quốc gia thứ 2 trong lịch sử của họ.[3] Đây cũng là kỉ nguyên mới để thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng dành nhiều danh hiệu cao quý khác của bóng đá Việt Nam.

Năm 2011

Giải bóng đá năm 2011, câu lạc bộ tiếp tục đoạt chức vô địch lần thứ 3 với trận hoà 1-1 trước Hà Nội T&T ngay trên Sân Vinh.[4] Chỉ năm phút sau khi bóng lăn, khán đài như muốn nổ tung khi Fagan Andre Diego ghi bàn mở tỉ số 1-0 cho Sông Lam Nghệ An. Với những điều chỉnh nhân sự trong hiệp hai, Hà Nội T&T trở lại chính mình khi trung vệ Nguyễn Tiến Dũng được thay bằng tiền vệ trụ Lê Hồng Minh, hậu vệ Nguyễn Văn Biển vào trám chỗ của Nguyễn Hồng Tiến. Hà Nội T&T chơi dần nhịp nhàng hơn trước lúc có bàn gỡ hòa 1-1 vào phút 64. Còi tan trận vừa vang lên, huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng là người đầu tiên lao vào sân với đôi tay dang rộng, vẻ mặt rạng ngời hạnh phúc. Mười năm trước, anh vô địch V-League đầu tiên với tư cách cầu thủ. Tròn chục năm sau đó, cũng tại Sân Vinh, giấc mơ của Hữu Thắng trở thành sự thật - là nhà vô địch cả trong vai trò cầu thủ lẫn huấn luyện viên. Sau 26 vòng đấu, đội bóng đạt 49 điểm ở vị trí đầu bảng.

Nhưng thật đáng tiếc cho Sông Lam Nghệ An, trong trận chung kết Cúp bóng đá Việt Nam 2011 chức vô địch đã phải nhường cho Navibank Sài Gòn khi thất bại 0-3 trên Sân vận động Thống Nhất. Để quên đi Cúp bóng đá Việt Nam 2011, Sông Lam Nghệ An có nhiều thời gian để chuẩn bị tốt cho trận tranh Siêu cúp bóng đá Việt Nam 2011 diễn ra tại Sân vận động Vinh. Nỗi buồn đó lại vơi đi, Sông Lam Nghệ An một lần nữa giành siêu cúp thứ 4 với trận thắng 3-1 trước đối thủ cũ Navibank Sài Gòn sau loạt đá luân lưu 11m. Như vậy, Sông Lam Nghệ An đã giành cú ăn hai ở mùa bóng 2011.

Trong 30 năm tồn tại, Sông Lam Nghệ An đã đem được nhiều chiến tích về trưng bày trong phòng truyền thống của mình: 3 lần vô địch quốc gia, 1 lần vô địch Giải bóng đá tập huấn mùa xuân, 4 lần đoạt Siêu cúp Việt Nam3 Cúp quốc gia.

Năm 2012

Năm 2012, Sông Lam Nghệ An chính thức nhận được sự đảm bảo vững chắc về tài chính từ Ngân hàng Bắc Á. Theo đó, trên áo thi đấu của Sông Lam Nghệ An sẽ có logo "Bắc Á bank". Ngoài ra, phía ngân hàng này sẽ phê duyệt những đề án về việc phát triển đội bóng trong các mùa giải. Rõ ràng đây là thông tin không thể vui hơn với thầy trò huấn luyện viên Nguyễn Hữu Thắng, giúp họ an tâm hướng về tương lai.

Năm 2017

Đến 2017, tức là 5 năm sau họ thi đấu khá kỳ lạ, chỉ về đích ở vị trí thứ 7. Tuy nhiên, Sông Lam Nghệ An có một danh hiệu khá đặc biệt. Tại Cúp bóng đá Việt Nam 2017, Sông Lam Nghệ An đã vượt qua mọi khó khăn và gian lao trước các đội bóng như Đăk Lăk, Hà Nội, CLB TP.HCM, CLB Quảng NamBecamex Bình Dương để nâng cao cúp vô địch.

Từ trước đến nay, Sông Lam Nghệ An có truyền thống chỉ sử dụng nội binh là các cầu thủ từ chính lò đào tạo của CLB. Gần như tất cả các cầu thủ đều có quê ở Nghệ An, số còn lại ở Hà Tĩnh, vì vậy, đây có thể coi là CLB giàu bản sắc nhất của bóng đá Việt Nam.

Năm 2020

Sau vòng 5, câu lạc bộ đã đứng đầu bảng xếp hạng V-League 1 2020 với 3 trận thắng 1-0 và 2 trận hoà 0-0.

Vào ngày 26/09/2020, tại vòng 12 LS V-League 2020, sân Vinh đã mở cửa miễn phí 3 khán đài B, C và D đón khán giả trở lại. Riêng khán đài A phát hành 1.400 vé trong đó có khoảng 900 vé mời. Điều đó đã giúp CLB giành chiến thắng 2-0 trước Hoàng Anh Gia Lai. Trong lịch sử 17 năm đối đầu với Hoàng Anh Gia Lai trên sân Vinh, ngoài trận thua 1-2 ở năm 2010, CLB giành 11 trận thắng, 5 trận hoà (2003, 2005, 2008, 2011, 2014).

Kết thúc giải đấu V-League 1 2020, câu lạc bộ cán đích ở vị trí thứ 10 và giành giải phong cách. Đặc biệt, ở cấp độ trẻ, câu lạc bộ đã đành ba chức vô địch U11, U13 và U17 - trở thành CLB đào tạo trẻ xuất sắc nhất 2020.

Liên quan

Câu lạc bộ Bóng đá Thể Công – Viettel Câu lạc bộ bóng đá Hà Nội (2016) Câu lạc bộ bóng đá LPBank Hoàng Anh Gia Lai Câu lạc bộ bóng đá Sông Lam Nghệ An Câu lạc bộ bóng đá Hải Phòng Câu lạc bộ bóng đá Thành phố Hồ Chí Minh Câu lạc bộ bóng đá Thép Xanh Nam Định Câu lạc bộ bóng đá Becamex Bình Dương Câu lạc bộ bóng đá Đông Á Thanh Hóa Câu lạc bộ bóng đá MerryLand Quy Nhơn Bình Định